VRAM là gì ?
VRAM là viết tắt của Video Random Access Memory là một trong những thành phần quan trọng nhất của một GPU. Được sử dụng để lưu trữ hình ảnh và video trong quá trình sử dụng máy tính, đóng vai trò là bộ đệm giữa CPU và card màn hình. Khi hình ảnh được hiển thị trên màn hình, hình ảnh đầu tiên sẽ được bộ xử lý đọc và sau đó ghi vào VRAM.
VRAM có vai trò lưu trữ các hình ảnh (texture), khung hình (frame), và các dữ liệu đồ họa khác mà card đồ họa (GPU) cần xử lý nhanh chóng để hiển thị trên màn hình. VRAM giúp giảm tải cho bộ nhớ chính (RAM) của máy tính, nhờ vậy tăng hiệu suất xử lý đồ họa.
Các loại VRAM
Multibank DRAM (MDRAM)
MDRAM là một loại VRAM hiệu năng cao được phát triển bởi MoSys. Với cấu trúc chia bộ nhớ thành các khối 32KB có thể truy cập độc lập, MDRAM cho phép thực hiện nhiều tác vụ cùng lúc. Điểm đặc biệt của MDRAM so với các loại VRAM khác là giá thành thấp hơn. Thêm vào đó, nó có khả năng sản xuất dung lượng RAM phù hợp với yêu cầu phân giải hình ảnh cụ thể, thay vì phải sử dụng dung lượng RAM theo các bội số của megabyte (MB) như các loại VRAM truyền thống.
Rambus Dynamic RAM (RDRAM)
Rambus Dynamic RAM là VRAM được phát triển bời RamBus vào những năm 1990. RDRAM nổi bật với tốc độ truyền tải dữ liệu cao và băng thông lớn so với các loại bộ nhớ VRAM truyền thống vào thời điểm đó. Mặc dù RDRAM từng được kỳ vọng sẽ là một sự đổi mới trong ngành công nghiệp bộ nhớ, nhưng cuối cùng nó không thể thay thế các chuẩn RAM phổ biến khác như DDR (Double Data Rate) do chi phí cao và một số vấn đề về tương thích.
Synchronous Graphics RAM (SGRAM)
Đây là một VRAM được đồng bộ hóa xung nhịp, là loại VRAM có chi phí thấp. SGRAM là bộ nhớ một cổng, nhưng nó có thể hoạt động giống như bộ nhớ cổng kép bằng cách mở hai trang bộ nhớ cùng lúc thay vì một trang.
Window RAM (WRAM)
Window RAM (WRAM) là loại bộ nhớ Video RAM (VRAM) được phát triển để cải thiện hiệu suất đồ họa và khả năng xử lý hình ảnh, đặc biệt là trong các ứng dụng và card đồ họa. WRAM được thiết kế với mục tiêu cung cấp băng thông lớn hơn và giảm độ trễ khi xử lý đồ họa so với các loại VRAM thông thường. Nó thường được sử dụng trong các card đồ họa cao cấp vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000.
VRAM: Được thiết kế đặc biệt cho GPU
VRAM là một dạng con của RAM, thường được dùng để mô tả bộ nhớ như DDR4 hoặc DDR5. Những loại RAM này thường được sử dụng cho tất cả các thành phần trong máy tính, nhưng chúng được tối ưu hóa cho yêu cầu hiệu suất của CPU, vốn cần dữ liệu nhanh thay vì lượng lớn dữ liệu cùng lúc. Do đó, bộ nhớ DDR tập trung vào độ trễ thấp (tính bằng nano giây) hơn là băng thông, được đo bằng gigabyte mỗi giây.
GPU không phải là CPU, và chúng có những yêu cầu hoàn toàn khác về bộ nhớ. GPU cần băng thông bộ nhớ lớn để truy cập các texture, framebuffer (nơi lưu trữ thông tin vị trí từng pixel trong khung hình), và các thông tin đồ họa khác được lưu trữ trong RAM, và GPU có thể chịu được độ trễ tương đối cao. Đó là lý do VRAM không chỉ được thiết kế đặc biệt để phục vụ GPU mà còn được đặt gần nhất có thể với GPU để tối ưu hiệu suất.
Ngay sau khi các GPU hiện đại đầu tiên ra đời vào đầu những năm 2000, Nvidia và AMD đã chuyển từ DDR truyền thống sang GDDR3, được thiết kế đặc biệt cho GPU (chữ “G” đại diện cho Graphics – đồ họa). GDDR3 gần như tăng gấp đôi băng thông bộ nhớ so với DDR, và từ đó, card đồ họa luôn sử dụng loại RAM chuyên biệt này.
Xác định đúng lượng VRAM khi mua GPU rất quan trọng vì bạn không thể nâng cấp được
Ngày nay, có hai loại VRAM chính. GDDR là giải pháp phổ biến nhất, đặc biệt cho các card đồ họa chơi game. Phiên bản mới nhất của GDDR là GDDR6, ra mắt vào năm 2018, và còn có phiên bản đặc biệt GDDR6X dành cho GPU của Nvidia. Một loại VRAM khác là HBM (High Bandwidth Memory – Bộ nhớ băng thông cao), là một giải pháp nhỏ gọn và hiệu suất cao hơn, ra mắt lần đầu trên AMD Fury X năm 2015, nhưng không phổ biến cho chơi game. Phiên bản mới nhất, HBM3, được sử dụng trên GPU trung tâm dữ liệu Nvidia Hopper.
Không giống như RAM hệ thống có thể được nâng cấp dễ dàng bằng cách lắp thêm RAM vào bo mạch chủ, VRAM luôn được hàn trực tiếp lên card đồ họa và không được thiết kế để thay đổi, vì điều này giúp cải thiện hiệu suất. Thông thường, một card đồ họa có thể có một vài phiên bản khác nhau với dung lượng VRAM cao hơn hoặc thấp hơn.
Xác định đúng lượng VRAM khi mua card đồ họa rất quan trọng vì bạn sẽ bị giới hạn với lượng VRAM mà card của bạn có. Đây là lý do vì sao câu hỏi “Tôi cần bao nhiêu VRAM?” không hề dễ trả lời.
Cần bao nhiêu VRAM là đủ?
Việc lựa chọn VRAM phù hợp cho GPU ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng. VRAM đóng vai trò quyết định trong việc rút ngắn thời gian tải, nâng cao chất lượng hình ảnh và hiệu suất làm việc . Tùy thuộc vào nhu cầu cụ thể, người dùng có thể chọn GPU phù hợp để tối ưu hóa hiệu quả mà vẫn tiết kiệm chi phí.
Sử dụng lướt web, xem phim và làm việc văn phòng
Đối với người sử dụng máy tính cho các tác vụ cơ bản như lướt web, xem phim hay làm việc văn phòng, dung lượng VRAM không cần phải quá lớn. Các tác vụ này chủ yếu không yêu cầu xử lý đồ họa nặng, vì vậy một card đồ họa với dung lượng VRAM vừa phải là đủ để đáp ứng nhu cầu. Thông thường, các máy tính hoặc laptop với 2GB đến 4GB VRAM sẽ là lựa chọn hợp lý cho các công việc này.
Với dung lượng VRAM này, người dùng có thể thoải mái sử dụng các ứng dụng văn phòng, xem video Full HD hoặc 4K, và lướt web mà không gặp phải vấn đề về hiệu suất hay độ trễ. Tuy nhiên, nếu bạn sử dụng các phần mềm chỉnh sửa ảnh nhẹ hoặc chơi các game không đòi hỏi đồ họa cao, có thể cần card đồ họa với VRAM từ 4GB trở lên để đảm bảo hiệu suất tốt nhất.
Chỉnh sửa video, thiết kế chuyển động tổng hợp
Khi làm việc với chỉnh sửa video hoặc thiết kế chuyển động tổng hợp (motion graphics), VRAM đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý các hiệu ứng đồ họa phức tạp và video độ phân giải cao. Để đảm bảo hiệu suất ổn định và mượt mà trong các phần mềm như Adobe Premiere Pro, After Effects, Final Cut Pro, hoặc DaVinci Resolve, bạn sẽ cần một lượng VRAM đủ lớn để xử lý video 4K, các lớp hiệu ứng đồ họa, cũng như các hoạt động render phức tạp.
- 4GB -6GB VRAM: Đây là mức tối thiểu cho các công việc chỉnh sửa video cơ bản và thiết kế chuyển động với video Full HD hoặc 2K. Với 4GB VRAM, bạn có thể làm việc với các dự án không quá phức tạp, nhưng có thể gặp phải sự chậm trễ khi làm việc với video 4K hoặc hiệu ứng phức tạp.
- 8GB đến 16GB VRAM: Đây là mức lý tưởng cho các công việc chỉnh sửa video 4K và thiết kế đồ họa chuyển động phức tạp. Với dung lượng VRAM này, bạn sẽ có thể làm việc mượt mà hơn với video độ phân giải cao, nhiều lớp và hiệu ứng, đồng thời xử lý các tác vụ render phức tạp mà không gặp phải hiện tượng giật lag hoặc giảm hiệu suất.
- 16GB VRAM trở lên: Đây là lựa chọn cho các công việc yêu cầu xử lý video 4K trở lên hoặc làm việc với các dự án đồ họa chuyển động, hiệu ứng 3D, và render thời gian thực. Các phần mềm như After Effects hoặc các phần mềm dựng phim 3D có thể yêu cầu VRAM lớn để xử lý các hiệu ứng đồ họa nặng mà không làm giảm hiệu suất.
Chơi game
Khi chọn VRAM cho việc chơi game, dung lượng VRAM đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất và chất lượng hình ảnh.
- Độ phân giải 720p – 1080p: Dung lượng VRAM từ 2GB – 6GB bạn có thể chơi hầu hết các tựa game như League of Legends, Fortnite, Minecraft, hoặc CS:GO ở setting trung bình đến cao với hiệu suất ổn định và chất lượng hình ảnh tốt.
- Độ phân giải 1440p: Với dung lượng VRAM 6GB – 8GB sẽ giúp bạn có được trải nghiệm chơi game mượt mà với các thiết lập đồ họa cao, bao gồm các tựa game như Shadow of the Tomb Raider hoặc Cyberpunk 2077.
- Độ phân giải 4K hoặc game thực tế ảo (VR): Đối với các tự game ở độ phân giải 4K và VR, người chơi cần VRAM tối thiểu 8GB trở lên để có thể mang đến trải nghiệm hình ảnh sống động, hiệu ứng ánh sáng và bóng đổ sắc nét.
Kết luận
Hy vọng rằng những thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của VRAM trong GPU. Từ đó, bạn có thể đưa ra quyết định chọn lựa dung lượng VRAM phù hợp với nhu cầu công việc, đồng thời vẫn đảm bảo tiết kiệm chi phí hiệu quả.