Hệ điều hành Linux ngày càng được nhắc đến như một lựa chọn thay thế mạnh mẽ cho Windows. Nhưng Linux là gì, và liệu nó có đáng để bạn chuyển từ Windows sang sử dụng? Bài viết này sẽ giải đáp chi tiết về hệ điều hành Linux, so sánh ưu nhược điểm với Windows, và giúp bạn quyết định xem có nên thử Linux hay không.
Hệ điều hành Linux là gì?
Linux là một hệ điều hành mã nguồn mở miễn phí, được phát triển bởi Linus Torvalds vào năm 1991 dựa trên hệ điều hành Unix và viết bằng ngôn ngữ C. Không giống như Windows hay macOS, Linux cho phép người dùng truy cập mã nguồn, tùy chỉnh và phân phối lại theo nhu cầu. Linux được sử dụng rộng rãi trên máy chủ, siêu máy tính, thiết bị nhúng, và cả máy tính cá nhân.

Lịch sử phát triển của linux
Vào tháng 9/1991, Linus Torvalds, một sinh viên tại Phần Lan, công bố phiên bản Linux 0.01 – nhân hệ điều hành mã nguồn mở đầu tiên. Chỉ một tháng sau, phiên bản 0.02 ra đời, đánh dấu bước đầu trong hành trình phát triển của Linux.
Năm 1992, Torvalds quyết định phát hành Linux dưới giấy phép GNU GPL, cho phép mọi người tự do tải về, chỉnh sửa, và phát triển mã nguồn. Quyết định này đã thúc đẩy sự phổ biến của Linux nhờ sự đóng góp của cộng đồng toàn cầu.

Ngày 14/3/1994, phiên bản Linux 1.0 được phát hành với 176.250 dòng mã nguồn, đánh dấu cột mốc hoàn thiện đầu tiên. Đến năm 1995, phiên bản 1.2 ra mắt với 310.950 dòng mã. Cùng năm 1994, Red Hat Linux 1.0 được giới thiệu, trở thành một trong những bản phân phối Linux thương mại hóa đầu tiên.
Năm 1996, Linus Torvalds chọn chú chim cánh cụt Tux làm biểu tượng chính thức của Linux, lấy cảm hứng từ một chuyến thăm công viên hải dương học. Hình ảnh vui nhộn này đã góp phần tạo nên bản sắc độc đáo cho Linux.
Năm 1998, Linux thu hút sự chú ý của các tập đoàn công nghệ. IBM đầu tư hàng tỷ USD vào các dịch vụ và phần mềm Linux, cùng với Compaq và Oracle, đưa Linux trở thành nền tảng quan trọng cho máy chủ và doanh nghiệp.
Năm 2007, các hãng như HP, ASUS, Dell, và Lenovo bắt đầu bán laptop cài sẵn Linux, giúp hệ điều hành này tiếp cận người dùng phổ thông.
Tính đến năm 2025, Linux đã phát triển thành hàng trăm bản phân phối, từ Ubuntu, Fedora đến Linux Mint. Nổi bật nhất là Android, hệ điều hành di động dựa trên nhân Linux, chiếm lĩnh thị trường smartphone. Linux hiện diện khắp nơi, từ máy chủ, siêu máy tính, đến thiết bị di động, máy ATM, và các hệ thống nhúng, trở thành một trong những hệ điều hành quan trọng nhất thế giới.
Cấu trúc hệ điều hành Linux
Hệ điều hành Linux được xây dựng từ ba thành phần chính: Kernel, Shell, và Application. Sự phối hợp giữa các thành phần này tạo nên sức mạnh và tính linh hoạt của Linux

Kernel
Kernel (nhân hệ điều hành) là thành phần cốt lõi, chịu trách nhiệm quản lý và kết nối phần cứng (như CPU, RAM, ổ cứng) với phần mềm. Nó bao gồm các module (trình điều khiển thiết bị) và thư viện để xử lý các tác vụ như quản lý bộ nhớ, giao tiếp mạng, hoặc truy cập ổ đĩa. Tính đến năm 2025, Linux Kernel phiên bản 6.x là mới nhất, với hàng triệu dòng mã nguồn, liên tục được cộng đồng cập nhật.
Shell
Shell là giao diện dòng lệnh, cho phép người dùng hoặc ứng dụng gửi lệnh đến Kernel để thực thi. Shell hoạt động như một “phiên dịch viên”, chuyển đổi các lệnh (như ls để liệt kê tệp) thành yêu cầu mà Kernel hiểu được. Các loại Shell phổ biến bao gồm:
- bash (Bourne Again Shell): Phổ biến nhất, mặc định trên nhiều bản phân phối như Ubuntu.
- zsh (Z Shell): Nâng cao, hỗ trợ tùy chỉnh mạnh mẽ.
- csh (C Shell): Phù hợp cho lập trình viên C.
Người dùng có thể chọn Shell phù hợp với nhu cầu, từ quản trị hệ thống đến lập trình.
Application
Application (ứng dụng) là phần mềm mà người dùng tương tác trực tiếp, như trình duyệt Firefox, bộ văn phòng LibreOffice, hay công cụ chỉnh sửa ảnh GIMP. Linux hỗ trợ hàng ngàn ứng dụng mã nguồn mở, được cài đặt thông qua trình quản lý gói (như apt trên Ubuntu). Các ứng dụng gửi yêu cầu qua Shell đến Kernel, đảm bảo hoạt động mượt mà và hiệu quả.
Ưu, nhược điểm của hệ điều hành Linux
Việc sử dụng Linux thay cho Windows là một lựa chọn tốt, đặc biệt nếu bạn quan tâm đến bảo mật, tùy biến, hiệu suất và chi phí. Linux có nhiều ưu điểm như miễn phí, mã nguồn mở, bảo mật cao, có thể tùy biến mạnh mẽ, và phù hợp với nhiều loại cấu hình máy tính, kể cả máy cũ. Tuy nhiên, việc chuyển đổi có thể đòi hỏi một đường cong học tập, đặc biệt nếu bạn quen với giao diện và phần mềm của Windows. Dưới đây là một số lý do nên cân nhắc sử dụng Linux:
Ưu điểm của hệ điều hành Linux
Miễn phí và mã nguồn mở
Linux là phần mềm mã nguồn mở, người dùng có thể tải về, cài đặt và sử dụng mà không phải trả bất kỳ chi phí bản quyền nào.
Không lo giật lag với máy cấu hình thấp
Nhờ khả năng tối ưu tài nguyên vượt trội. Các bản phân phối như Lubuntu, Puppy Linux hay AntiX chỉ cần 128-1GB RAM, giúp chạy mượt mà các tác vụ cơ bản như lướt web, soạn thảo văn bản hay quản lý file.
Hỗ trợ các ứng dụng văn phòng miễn phí
Người dùng văn phòng có thể sử dụng các bộ ứng dụng như OpenOffice hoặc LibreOffice để thay thế Microsoft Office.
Bảo mật cao
Cơ chế phân quyền chặt chẽ và ít lỗ hổng bảo mật, kết hợp với cộng đồng mã nguồn mở nhanh chóng vá lỗi, giúp Linux ít bị tấn công bởi virus/malware.
Tính linh hoạt và tùy biến cao
Người dùng có thể tùy chỉnh giao diện, kernel, hoặc thậm chí xây dựng bản phân phối riêng theo nhu cầu.
Hỗ trợ lập trình và server
Linux cung cấp môi trường lý tưởng cho lập trình viên (hỗ trợ nhiều ngôn ngữ, công cụ như Git, Docker) và quản trị hệ thống (Apache, Nginx).
Cộng đồng hỗ trợ mạnh mẽ
Có nhiều diễn đàn, tài liệu (như Ubuntu Forums, Arch Wiki) và cộng đồng người dùng sẵn sàng giúp đỡ.
Nhược điểm của hệ điều hành Linux
Số lượng phần mềm hạn chế
Dù số lượng phần mềm hỗ trợ Linux đang gia tăng, nhưng vẫn ít hơn đáng kể so với Windows. Các phần mềm thương mại phổ biến như Adobe Photoshop, Microsoft Office, AutoCAD… thường không có phiên bản chính thức cho Linux. Người dùng phải sử dụng phần mềm thay thế (LibreOffice, GIMP…) hoặc công cụ giả lập như Wine, tuy nhiên trải nghiệm không luôn ổn định.
Khó làm quen đối với người mới
Người dùng chuyển từ Windows sang có thể cảm thấy lạ lẫm với giao diện, cách cài phần mềm, cấu trúc thư mục… Các tác vụ cơ bản như cài đặt phần mềm, quản lý file, hoặc cấu hình hệ thống đôi khi yêu cầu làm quen với quy trình mới (ví dụ: dùng terminal thay vì GUI).
Tương thích với phần cứng kém
Một số thiết bị phần cứng, như card Wi-Fi, GPU, hoặc máy in, thiếu driver chính thức cho Linux, dẫn đến khó cài đặt hoặc hoạt động không ổn định. Người dùng đôi khi phải tìm driver mã nguồn mở hoặc tự biên dịch, gây khó khăn cho người không rành kỹ thuật.
So sánh hệ điều hành Linux và Windows
Linux và Windows là hai hệ điều hành phổ biến nhất hiện nay, nhưng lại phục vụ những nhóm người dùng khác nhau. Linux thường được sử dụng bởi lập trình viên, quản trị viên hệ thống, trong khi Windows lại quen thuộc với người dùng phổ thông và môi trường văn phòng. Dưới đây là bảng so sánh chi tiết giữa hai nền tảng này:
TIÊU CHÍ |
LINUX | WINDOWS |
Tính chất mã nguồn | Mã nguồn mở – người dùng có thể truy cập, chỉnh sửa và phân phối lại. | Mã nguồn đóng – phát triển độc quyền bởi Microsoft. |
Bảo mật | Bảo mật cao, ít virus, thường cập nhật nhanh; thị phần nhỏ nên ít bị tấn công. | Dễ bị tấn công hơn do phổ biến, thường là mục tiêu của phần mềm độc hại. |
Quản lý tài nguyên | Nhẹ, tối ưu cho máy cấu hình thấp, sử dụng ít RAM/CPU. | Tiêu tốn tài nguyên, cần cấu hình cao hơn để vận hành mượt mà. |
Cập nhật hệ thống | Linh hoạt (rolling hoặc fixed release), có thể cập nhật mà không cần khởi động lại. | Cập nhật tự động, thường yêu cầu khởi động lại, đôi khi làm gián đoạn công việc. |
Cộng đồng hỗ trợ | Cộng đồng nguồn mở lớn, hỗ trợ qua diễn đàn, tài liệu, wiki. | Hỗ trợ chính thức từ Microsoft, cùng cộng đồng người dùng đông đảo. |
Khả năng tùy chỉnh | Rất cao – có thể tùy biến từ giao diện, chức năng cho đến nhân hệ điều hành. | Hạn chế, chủ yếu tùy chỉnh trong giới hạn của hệ thống có sẵn. |
Ứng dụng và phần mềm | Phần mềm mã nguồn mở nhiều, nhưng cần Wine để chạy ứng dụng Windows. | Được hỗ trợ bởi phần mềm thương mại phổ biến như Microsoft Office, Adobe… |
Phù hợp cho máy chủ | Rất phù hợp – Linux là nền tảng chính của các máy chủ web, dịch vụ mạng. | Windows Server vẫn được dùng trong doanh nghiệp, nhưng không phổ biến bằng Linux trong môi trường máy chủ. |
Giá thành | Miễn phí hoàn toàn, không mất phí bản quyền hệ điều hành hoặc phần mềm văn phòng cơ bản. | Có phí – cả hệ điều hành và nhiều phần mềm đi kèm đều cần bản quyền. |
Bảo trì hệ thống | Bảo trì đơn giản, ít khởi động lại, hệ thống ổn định lâu dài. | Bảo trì phức tạp hơn, thường bị gián đoạn bởi cập nhật hệ thống. |
Thị phần & phổ biến | Thịnh hành trong môi trường máy chủ, cloud, hệ thống nhúng, giáo dục. | Phổ biến nhất trên máy tính cá nhân và văn phòng toàn cầu. |
Các phiên bản của hệ điều hành Linux
Linux không phải là một hệ điều hành duy nhất với một phiên bản cố định như Windows hay macOS. Thay vào đó, nó có hàng trăm bản phân phối khác nhau (gọi là distro) – mỗi bản được thiết kế cho những mục đích và đối tượng sử dụng riêng. Dưới đây là những phiên bản Linux phổ biến và được ưa chuộng nhất hiện nay:
Debian
Debian là một trong những bản phân phối hệ điều hành Linux lâu đời và uy tín nhất hiện nay. Được biết đến với sự ổn định và bảo mật. Debian là nền tảng quan trọng của nhiều bản phân phối nổi tiếng khác như Ubuntu, Linux Mint, Kali Linux,…

Các phiên bản Debian phổ biến:
- Stable: bản phân phối chính thức, được Debian khuyên dùng dành cho các tổ chức và người dùng.
- Testing: bản phân phối thử nghiệm để kiểm tra các gói trước khi chuyển vào bản phát hành “
stable
“. - Unstable: phiên bản dành cho các nhà phát triển.
Ubuntu
Ubuntu là một bản phân phối Linux mã nguồn mở, dựa trên Debian, được phát triển bởi Canonical và cộng đồng. Được tối ưu hóa để dễ sử dụng hơn, với giao diện trực quan, hỗ trợ đa ngôn ngữ và cài đặt đơn giản. Ubuntu tập trung vào việc cung cấp trải nghiệm người dùng mượt mà, hiện đại và tính ổn định cao.

Các phiên bản Ubuntu phổ biến:
- Ubuntu Desktop: Dành cho máy tính cá nhân, giao diện thân thiện với người dùng.
- Ubuntu Server: Tối ưu cho máy chủ, không có giao diện đồ họa.
- Ubuntu LTS (Long Term Support): Phiên bản ổn định, được hỗ trợ lâu dài (5 năm), phù hợp cho doanh nghiệp và người dùng ưu tiên sự ổn định.
Linux Mint
Linux Mint là bản phân phối GNU/Linux dựa trên Ubuntu, được thiết kế để cung cấp trải nghiệm thân thiện, trực quan, và gần gũi với người dùng Windows. Với các môi trường desktop như Cinnamon, MATE, hoặc XFCE. Linux Mint mang đến giao diện quen thuộc (menu Start, thanh tác vụ), giúp người mới dễ dàng chuyển đổi từ Windows mà không gặp nhiều khó khăn.

Các phiên bản Linux Mint phổ biến:
- Cinnamon: Là một giao diện người dùng đồ họa (GUI) được thiết kế để cung cấp một trải nghiệm thân thiện và dễ sử dụng cho người dùng.
- Mate: Được thiết kế để mang lại một trải nghiệm ổn định, nhẹ nhàng, và truyền thống, phù hợp với những người dùng yêu thích giao diện và cách thức hoạt động của GNOME 2
- XFCE: Được thiết kế để tiết kiệm tài nguyên hệ thống nhưng vẫn cung cấp giao diện thân thiện và đầy đủ tính năng.
- Edge: là phiên bản nâng cấp của Cinnamon, tích hợp với Kernel Linux mới hơn để tương thích với các thiết bị máy tính hiện đại hơn.
- LMDE: Là phiên bản dựa trên hệ điều hành Debian thay vì Ubuntu. Phù hợp với người dùng muốn một hệ thống ổn định và lâu dài.
Fedora
Fedora là bản phân phối Linux mã nguồn mở và miễn phí, dự án được phát triển bởi cộng đồng Fedora Project và tài trợ bởi Red Hat. Fedora tập trung vào việc cung cấp các công nghệ mới và cập nhật nhanh nhất, đồng thời đóng vai trò là nền tảng thử nghiệm cho Red Hat Enterprise Linux (RHEL).

Các phiên bản Fedora phổ biến:
- Fedora Workstation: dành cho người dùng máy tính để bản và laptop. Fedora Workstation tích hợp sẵn nhiều phần mềm như Firefox, LibreOffice, Podman,…
- Fedora Server: Cung cấp nền tảng ổn định cho máy chủ, giúp quản trị viên có thể dễ dàng triển khai và quản lý nhiều máy chủ cùng lúc.
- Fedora Cloud: Phiên bản dành cho môi trường Cloud, chạy trên các ứng dụng đám mây (Cloud Applications) như Amazon Web Services (AWS), Microsoft Azure, Google Cloud, và OpenStack.
- Fedora IoT: Dành riêng cho các thiết bị IoT (Internet of Things) và hệ thống nhúng (Raspberry Pi). Fedora IoT phù hợp với các thiết bị có tài nguyên hạn chế và có các công cụ để quản lý và cập nhật hệ thống
- Fedora CoreOS: Phiên bản dành cho hệ thống tự động hóa (infrastructure automation) và điện toán đám mây (cloud computing), tập trung vào việc chạy các ứng dụng containerized (như Kubernetes, Podman, docker) trong môi trường đám mây hoặc cụm máy chủ (clusters).
- Fedora SilverBlue: là một phiên bản của Fedora Workstation, được thiết kế như một hệ điều hành bất biến (immutable operating system), nhằm mang lại sự ổn định, an toàn và dễ quản lý cho người dùng máy tính để bàn, đặc biệt là các nhà phát triển phần mềm. Nếu hệ thống gặp lỗi, người dùng có thể rollback lại các phiên bản trước.
CentOS
CentOS là một bản phân phối Linux mã nguồn mở, được xây dựng dựa trên mã nguồn của Red Hat Enterprise Linux (RHEL). CentOS được thiết kế đặc biệt cho môi trường máy chủ, trung tâm dữ liệu (data center) và các hệ thống đòi hỏi sự ổn định cao.

Các phiên bản CentOS:
- Các phiên bản đã EOL (End of Life): CentOS 2, CentOS 3, CentOS 4, CentOS 5, CentOS 6, CentOS 7, CentOS 8.
- CentOS Stream 9, 10: đóng vai trò như nền tảng trung gian giữa Fedora và Red Hat Enterprise Linux (RHEL). Đây là nơi các tính năng mới được thử nghiệm trước khi chính thức tích hợp vào RHEL.
OpenSUSE/SUSE Linux Enterprise
openSUSE là một bản phân phối Linux mã nguồn mở và miễn phí, được phát triển bởi cộng đồng người dùng toàn cầu với sự hỗ trợ của SUSE.

Các phiên bản chính của openSUSE:
- openSUSE Leap: Ổn định, phát hành theo chu kỳ, chia sẻ mã nguồn với SLE.
- openSUSE Tumbleweed: Cập nhật liên tục, luôn có phiên bản phần mềm mới nhất.
SUSE Linux Enterprise là bản phân phối thương mại của SUSE, được tối ưu hóa cho doanh nghiệp, tổ chức chính phủ và các hệ thống sản xuất quan trọng.
Các phiên bản chính của SUSE Linux Enterprise:
- SLES: Dành cho máy chủ, cloud, data center.
- SLED: Dành cho người dùng Desktop.
- SUSE MicroOS: Dành cho hệ thống triển khai Container, Edge Computing,…
Sự khác biệt giữa các phiên bản và mục đích sử dụng
Sự khác biệt giữa các bản phân phối Linux (Linux distros) thể hiện ở mục đích sử dụng và triết lý thiết kế. Sự khác biệt giữa chúng không chỉ nằm ở giao diện hay công nghệ tích hợp, mà còn thể hiện ở cách tiếp cận người dùng, mức độ ổn định, và mục đích triển khai thực tế. Ubuntu hướng tới trải nghiệm người dùng mức độ đơn giản và phù hợp cho máy tính cá nhân.
CentOS và Debian tập trung vào sự ổn định và bảo mật, phù hợp cho môi trường máy chủ và doanh nghiệp. Fedora là sự lựa chọn dành cho những người muốn trải nghiệm sớm các tính năng mới. Sự lựa chọn giữa các phiên bản Linux phụ thuộc vào nhu cầu cụ thể của người dùng và tổ chức, đảm bảo tính ổn định và hiệu suất ưng ý.
Kết luận
Linux không chỉ là một hệ điều hành đó là một nền tảng mạnh mẽ, linh hoạt và không ngừng phát triển. Đối với lập trình viên, Linux mang lại một môi trường lý tưởng để học tập, thử nghiệm và triển khai phần mềm với hiệu suất cao và khả năng tùy biến sâu rộng thông qua giao diện dòng lệnh (Command line – CLI). Cộng đồng hỗ trợ, giúp người dùng tiếp cận kiến thức và hỗ trợ kỹ thuật một cách rộng rãi.
Đối với người dùng cá nhân, Linux mang lại trải nghiệm ổn định, an toàn và hoàn toàn miễn phí. Với các bản phân phối thân thiện như Ubuntu, Linux Mint hay Fedora, người dùng có thể dễ dàng làm quen, sử dụng cho các nhu cầu hàng ngày như lướt web, làm việc, giải trí mà không cần đầu tư phần mềm đắt đỏ.